Thiết thực chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023); 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2023), 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2023), Chi bộ Trả thưởng – Kho quỹ, Đảng bộ Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang tổ chức du khảo về nguồn năm 2023 tại Côn Đảo trong 3 ngày 2 đêm từ ngày 05/5 đến ngày 07/5. Cùng tham gia chuyến đi về nguồn với Chi bộ có đồng chí Nguyễn Thị Phương Linh – PBT Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Nguyễn An Hữu – PCN UBKT Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Võ Trung Dũng – PBT ĐU Công ty; đồng chí Trình Bảo Châu – Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Công ty; đồng chí Lưu Thị Huỳnh Phượng – Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ Kế toán – Hành chính.
Đến với Côn Đảo nơi có nhiều di tích lịch sử đấu tranh cách mạng, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động và tự hào khi được nghe về những giai thoại hào hùng, sự anh dũng, mưu trí của cũng như sự hy sinh thầm lặng, cao cả của lớp lớp ông cha đã ngã xuống vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho đất nước hôm nay.
Đoàn đã đến Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ tù đày kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975 và là nơi yên nghỉ ngàn thu của Nữ Anh hùng LLVTND Việt Nam – Võ Thị Sáu, phần mộ gắn liền với những câu chuyện có thật về sự thiêng liêng. Tại đây Đoàn đã dâng hương thành kính tại khu mộ chung và những phần mộ riêng, phần lớn là các phần mộ khuyết danh nhưng vẫn đầy ấm áp khi luôn có các Đoàn đến thăm để tưởng niệm và gửi lời biết ơn sâu sắc đến các vị anh hùng đã hy sinh. Đoàn cũng đã dâng hương kính viếng trước mộ phần Cô Võ Thị Sáu gửi đến Cô những đóa hoa trắng thể hiện lòng biết ơn người chiến sỹ anh hùng đã hy sinh anh dũng, ngoan cường không khuất phục trước các thế lực thù địch để đổi lại sự tự do và bình yên của dân tộc.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương
Đoàn dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương
Đoàn dâng hương kính viếng Cô Võ Thị Sáu – Anh hùng LLVTND Việt Nam
Chi bộ Trả thưởng – Kho quỹ kính dâng lễ Cô Sáu
Đồng chí Võ Trung Dũng – PBT Đảng ủy gửi lời tri ân sâu sắc đến các vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống tại mãnh đất Côn Đảo vì độc lập, tự do của đất nước
Để xem lại các chứng tích tội ác mà Pháp, Mỹ đã gây ra đối với các anh hùng dân tộc, Đoàn đã đến tham quan Nhà tù Côn Đảo – Chứng tích “địa ngục trần gian” là hệ thống nhà tù lớn nhất với 7 trại giam, 2 khu biệt lập và 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập. Hệ thống nhà tù Côn Đảo được thực dân, đế quốc, tay sai giam giữ tù nhân chính trị, tử tù, ... Nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những người tham gia các phong trào cách mạng và những người yêu nước chống lại chính phủ thuộc địa, và sau đó lại được Mỹ mở rộng xây dựng thêm các khu chuồng cọp sử dụng để giam cầm, tra tấn tù nhân. Suốt 113 năm (1862 – 1975) hơn 20.000 chiến sĩ đã mất tại các nhà tù Côn Đảo. Chiến tranh đã lùi xa, hàng vạn người đã ngã xuống và nhà tù Côn Đảo là chứng tích lịch sử để thế hệ sau hiểu rõ về ý chí quật cường, trung kiên của bậc ông cha trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại trại Phú Tường
Tượng sáp mô phỏng người tù bị giam cầm ở trại tù Phú Hải
Hầm xay lúa Côn Đảo – “Nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục”
Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã đến tham quan một số di tích khác như: Di tích lịch sử - Cầu Tàu 914 (nơi mà 914 người tù đã ngã xuống vì kiệt sức, đá đè và đòn roi tra tấn khi khai thác, khiêng, vác đá về làm cầu tàu và kè đá dọc con đường bờ biển); Di tích lịch sử - Cuộc võ trang vượt ngục của 198 người tù lao động khổ sai (nơi tưởng niệm 198 tù binh khổ sai là những chiến sĩ cộng sản của ta đã vượt ngục và hy sinh anh dũng năm 1952); di tích lịch sử Cầu Ma Thiên Lãnh (nơi mà 356 người tù mất vì bị bọn thực dân Pháp bắt khiêng đá, mở đường đoạn đường từ đèo Ông Đụng đến Sở Ông Câu để kiểm soát dễ hơn).
Đoàn dâng hương tại Di tích lịch sử - Cầu Tàu 914
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Di tích lịch sử - Cuộc võ trang vượt ngục của 198 người tù lao động khổ sai tại Bãi Nhát, Côn Đảo
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Di tích lịch sử Cầu Ma Thiên Lãnh
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật có từ thời chiến tranh. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ cả lịch sử, bản đồ chứng minh biển đảo thuộc về Việt Nam.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Côn Đảo
Một số tư liệu và hiện vật ở Bảo tàng Côn Đảo
C.5289 – Số hiệu tù của Bác Tôn tại Trại tù Côn Đảo
Trong chuyến đi Đoàn cũng đã tham quan một số nơi khác tại Côn Đảo như: Miếu Bà Phi Yến; Chùa Núi Một; Vườn quốc gia Côn Đảo; Phòng trưng bày, triển lãm CÔN ĐẢO NGÀY TRỞ VỀ.
Đoàn đến tham quan Miếu Bà Phi Yến
Đoàn đến tham quan Chùa Núi Một
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Vườn quốc gia Côn Đảo
Đoàn chụp hình lưu niệm sau chuyến đi
Hành trình về nguồn đã đem đến cho các đồng chí trong Đoàn nhiều cung bậc cảm xúc, nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc ông cha đã có công vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, người lao động (CB.ĐV-NLĐ) về biển đảo và nâng cao nhận thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, về vị trí đặc biệt quan trọng của biển đảo trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Khơi dậy truyền thống yêu quê hương đất nước, ý thức tự hào tự tôn dân tộc, giúp cho CB.ĐV-NLĐ hiểu thêm về tinh thần và sức chiến đấu bất khuất của các thế hệ ông cha đi trước, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò trách nhiệm của người Đảng viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà các thế hệ dân tộc Việt Nam quyết tâm học tập và noi theo.
Tố Quyên