Thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11/1917-07/11/2020), kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020).
Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Chi đoàn Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang xây dựng kế hoạch tổ chức du khảo về nguồn tại Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng tại tỉnh Bạc Liêu, Bến Vàm Lũng - Đất Mũi tại Cà Mau.Cùng tham gia với Đoàn có đồng chí Trần Văn Lắm – Chủ tịch Công ty, đồng chí Võ Trung Dũng – Giám đốc Công ty và đồng chí Trình Bảo Châu – Phó Giám đốc Công ty và hơn 30 Đoàn viên, thanh niên Công ty
Tại khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đồng Nọc Nạng (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) các đoàn viên xúc động khi lắng nghe nhân viên khu di tích thuyết trình vềsự kiện vang cả đến Đông Dương, đó là cuộc nổi dậy của gia đình anh em nông dân Mười Chức chống chính quyền thực dân và bè lũ tay sai.
Tên địa chủ Mã Ngân dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt cùng tên Phủ Huấn tiếp tay đến cướp lúa, cướp đất của gia đình anh em Mười Chức. Cuộc xô xát giữa anh em Mười Chức dùng giáo mác, gậy gộc chống địa chủ Bang Tắc có chính quyền thực dân Pháp do hai tên Cò Tournier và Bauzou cùng phó quản Danh Long chỉ huy lính mã tà, lính kín, một số tên Hương chức Hội tề làng Phong Thạnh diễn ra hết sức ác liệt tại sân lúa Mười Chức vào sáng ngày 16 tháng 02 năm 1928.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cụm tượng tái hiện lại hình ảnh gia đình ông Mười Chức chống bọn cò Tây
Hậu quả, bốn người em của Biện Toại Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ Mười Chức đang mang thai) bị bắn tử thương trong một trận đánh không cân sức. Phía chính quyền thực dân Pháp, Cò Tournier đền mạng, một số khác bị thương.
Cuộc nổi dậy của sự kiện Đồng Nọc Nạng vừa đánh dấu cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn lan khắp Đồng bằng sông Cửu Long những năm đầu thế kỷ, vừa nói lên đời sống tinh thần phong phú của nông dân ở một miền mà chính sự hình thành lịch sử ấy đã hun đúc cho những đức tính truyền thống kiên cường của dân tộc ở một vùng đất vừa khai phá.
Ngày 30 tháng 8 năm 1991, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng nơi diễn ra sự kiện Nọc Nạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Tiếp tục chuyến hành trình về nguồn đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, mẩu chuyện hào hùng về những con người Đất Mũi đã làm nên những chiến công oanh liệt; với những trang sử hào hùng và lưu dấu di tích; Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước vừa đậm chất bản địa, vừa mang dấu ấn của những người con lưu hương
Một số hình ảnh của Đoàn tại Đất Mũi – Cà Mau:
Đ/c Trần Văn Lắm – Chủ tịchCông ty, Đ/c Võ Trung Dũng – Giám đốc Công ty và Đ/c Trình Bảo Châu – Phó Giám đốc Công ty chụp hình lưu niệm cùng các Đoàn viên tại Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau
Hành trình về nguồn đã đem đến cho các Đoàn viên nhiều cảm xúc lòng biết ơn sâu sắc; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên thanh niên về truyền thống yêu quê hương đất nước, hướng về nguồn cội. Nêu cao lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của công đoàn viên, thanh niên trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước,tạo nguồn hứng khởi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.