Ngày 23/09/2017, Chi đoàn Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang tổ chức hoạt động du khảo về nguồn tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi – TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh 02/9 (02/9/1945 – 02/9/2017) và ngày miền Nam kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2017), nhằm mục đích giáo dục truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”, giúp các đoàn viên ý thức được sự hy sinh to lớn của Ông cha ta trong thời kỳ kháng chiến cứu nước để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi. Hệ thống này được Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 250km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép”.
Bắt đầu chuyến du khảo về nguồn, cả đoàn đã tham quan khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi (1961 – 1972), giới thiệu cuộc sống của người dân trong vùng mới giải phóng. Đến đây, mọi người cảm nhận rất thực như được sống trong khung cảnh xưa, với những hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập, sinh hoạt của người dân và các cán bộ, chiến sĩ du kích hoạt động trong vùng giải phóng Củ Chi.
Hình ảnh của “đất thép thành đồng” Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến như phần nào được tái hiện qua các tượng anh lính giải phóng quân đội mũ tai bèo, phụ nữ mặc áo bà ba đen, quàng khăn rằn và đi dép lốp. Đến địa đạo Củ Chi ai cũng sẽ phải khâm phục sự thông minh của chiến sĩ ta khi sáng chế ra bếp “Hoàng Cầm”. Một sáng kiến về thiết kế phục vụ công tác hậu cần rất độc đáo, nhờ bếp này mà người chiến sĩ “anh nuôi” Hoàng Cầm có thể nấu ăn cho các đồng đội mà không sợ bị địch phát hiện vì đã có một hệ thống dẫn khói mà không phải ai cũng có thể làm được và suy nghĩ ra.
Cả đoàn cũng được cảm nhận cuộc sống dưới lòng đất của quân dân ta với một đoạn đường hầm chỉ dài khoảng 20m, nhưng khi đã lên mặt đất, ai cũng phải thốt lên: “Tại sao chúng ta lại có thể làm được một điều phi thường như vậy? Đi lại đã khó huống gì là sống, sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất?”. Vậy mà trong chiến tranh tất cả đều được sắp đặt dưới tổng số 250km đường hầm chạy ngoằn ngoèo trong lòng đất Củ Chi được đào bằng dụng cụ thô sơ. Trải nghiệm tận nơi cả đoàn càng hiểu rõ hơn lòng căm thù giặc đã tạo nên sự bền bỉ của nghị lực, ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của quân dân ta.
Cuối cùng, cả đoàn đến đền Bến Dược để thắp hương và tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc đã ngã xuống ở chiến trường Củ Chi.
Chuyến du khảo về nguồn tại khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã giúp mỗi Đoàn viên có thêm những kiến thức lịch sử bổ ích, cảm nhận rõ hơn về những gian khổ của bậc cha, anh trong thời kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc và nêu cao lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó mỗi Đoàn viên đều cảm thấy bản thân cần phải học tập, thực hiện theo các đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước để phát huy vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sau đây là một số hình ảnh của chuyến đi :
Đường vào khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi (1961 – 1972)
Tái hiện quang cảnh vùng trắng (1969 – 1972)
Đoàn viên trải nghiệm thực tế chui hầm dài 20m
Hầm chông cánh cửa
Hầm ăn và Bếp Hoàng Cầm
Thăm đền Bến Dược
Nhật Trang